13 tháng 10, 2012

"BÌM BỊP KÊU NƯỚC LỚN ANH ƠI!"...

Đàm Hà Phú - “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”...

1. Vợ tôi cũng hay ru con bằng câu ca dao này.

Má vợ tôi ngày xưa nuôi tám đứa con dại cũng bằng cách chèo chống bán buôn nhỏ.

Đêm thì mua trái cây trong Phong Điền rồi chèo ra Cần Thơ bán cho kịp chợ mai Ninh Kiều.

Ngày thì mua hàng tạp hóa từ Cần Thơ chèo vô Phong Điền bán đặng kịp chợ chiều, chủ yếu lấy công chèo chống làm lời.

Xưa chưa có vỏ lãi, chưa có máy đuôi tôm, chèo tay đẩy một ghe trái cây nặng, gặp lúc ngược nước hay đêm trời trở gió thì người khỏe như Lý Đức còn chưa chắc kham nổi, vậy mà má vợ tôi chèo ngon lành, chèo tối ngày sáng đêm luôn.

Vậy đó, cho nên mới nói “buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê…”

Có bữa má chèo ghe trái cây có vợ tôi, lúc đó chừng mấy tuổi, cùng một người em ngồi trên, giữa đêm nước lớn, ngang ngã bảy Phụng Hiệp gặp con nước xoáy, lật ghe.

Vợ tôi chìm nghỉm, trôi mất, may mà má bơi theo cứu được, cứu luôn cả người em.

Mất ghe, cụt vốn từ đó.
2.
Hôm rồi nằm nói chuyện với mẹ, mẹ nói ngày xưa bán vé số mà gặp ai mua nguyên cặp là mừng lắm, mang ơn người ta lắm.

Mẹ bán vé số năm năm, chủ yếu bán buổi trưa lúc nghỉ trưa hoặc bán từ chiều tới tối, thời gian còn lại mẹ làm ở bệnh viện, giữ một kho thuốc lớn của bệnh viện, toàn thuốc quí hiếm.

Tôi đi học một buổi còn một buổi bán vé số thay mẹ.

Cái tủ thuốc lá nhỏ bằng gỗ, có hai cánh mở và một ngăn kéo phía dưới để dựng tiền, phía trên là cái khay, cũng bằng gỗ, có đóng đinh và căng dây thun để giữ những xấp vé số được cố tình xòe ra cho đẹp.

Chủ yếu là lời từ vé số, còn thuốc lá thì hai cha con tôi hút dữ quá, nên bán đã chẳng lời lại còn lỗ nặng.

Trời nắng, khó bán, vì ai người ta cũng ngại nắng, muốn đi cho lẹ.

Trời mưa, rất khó bán, vì mưa thì phải mặc áo mưa cánh dơi rồi trùm kín cả tủ thuốc lẫn vé số, ngồi thu lu một đống, ai biết mình bán gì mà mua.

Hai mẹ con tôi lại không giỏi chào mời, chỗ ngồi lại xa các tủ vé số khác, nên càng ế ẩm.

Chủ yếu bán cho người quen, mấy chú trong khu tập thể ghé mua giùm điều thuốc, mấy bác sĩ trong bệnh viện có dịp đi qua cũng ghé làm vài tờ vé số, có người mua xong mấy tờ vé số thì tặng luôn cho tôi, coi như là cho quà.

3.
Bạn có thấy mấy tấm hình tôi chụp trong Saigon Streetlife 01 chủ yếu là những người sống bằng đường phố: Giữ xe, Xe ôm, Hoa, Bánh Mì, Phế Liệu, Vé Số, Tạp Hóa, Trái Cây…

Ai cũng biết cái nắng Sài Gòn dữ dội thế nào, ai cũng biết mưa Sài Gòn ào ào bất chợt thế nào, ai cũng biết ở Sài Gòn, Công an khó khăn, Trật tự đô thị rất nghiêm…cho nên ai cũng biết những người buôn bán này vất vả sinh nhai thế nào.

4.
Tôi cũng là người làm kinh doanh, đôi khi mở miệng nói với khách hàng câu: “Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”, thì bị mỉa mai, bị cho rằng nói xạo, nói quá.

Tôi có nói xạo, nói quá không thì tôi biết, nhưng tôi thề với bạn rằng câu ca dao trên sẽ đúng với bất cứ một người làm ăn mưu sinh lương thiện nào:

“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi, Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê"...
---------------------------------------
* Hình ảnh minh họa trong bài viết, đăng trên corbis ghi lại hình ảnh cuộc sống đô thị, người dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, sau ngày giải phóng 30/4/1975 và thời bao cấp, từ 1975 đến trước năm 1990.

1 nhận xét:

  1. Quang năm buôn bán ở mom sông... từ thời cụ Tú Xương, hay từ khi có giống người, 99% những người thường như anh và tôi, đều lam lũ, tất tả vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống gửi chắc chắn đến ngày 'về'. Mọi thứ tôn giáo, chủ nghĩa, chiến tranh, giết chóc này nọ đều do số 1% kia nghĩ ra, xúi giục, thúc ép số đông đi theo để tìm được cõi 'về' thực hay ảo của mình. Mẹ tôi cũng giống với mẹ anh, nhưng mẹ tôi đã 'về' mất rồi...buồn, vô nghĩa.

    Trả lờiXóa